Trang

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Những bức ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến

Nhiếp ảnh gia Thomas Bill Hardt (Đức) đã ghi lại những hình ảnh bi thương về cuộc chiến ở Việt Nam, nổi bật là khuôn mặt sợ hãi chiến tranh của trẻ em.


Thomas Bill Hardt (nhiếp ảnh gia người Đức sinh năm 1937) đã đi đến nhiều quốc gia vào những thời điểm lịch sử, trong đó có Việt Nam. Chủ đề chính trong các tác phẩm của ông là trẻ em. Bức ảnh này chụp một cô bé Việt Nam cõng em trên lưng, những năm 60-70 thế kỷ trước. 


Mỗi bức ảnh của Thomas là một minh chứng cho sự khủng khiếp của chiến tranh, và nó khiến thế giới phải lên tiếng. Trong ảnh là một cậu bé Việt trốn trong hầm trú ẩn. 


Nhà báo, nhiếp ảnh gia này đã ghi lại những hình ảnh bi thương về cuộc chiến ở Việt Nam, nổi bật là hình ảnh những khuôn mặt sợ hãi chiến tranh của trẻ em.


Trước những trận càn, trẻ em luôn phải trốn dưới hầm trú ẩn. Cô bé trong ảnh không dám chơi xa hầm vì sợ những trận bom bất chợt.


Em bé trong vòng tay âu yếm của mẹ du kích. Bầu sữa ngọt có thể rời bỏ em bất cứ lúc nào vì sự tàn khốc của chiến tranh.


Những em bé khóc đòi mẹ.


Bức ảnh này được Thomas thực hiện tại Nhà hát ca múa nhạc Quốc gia. Một cô bé run sợ vì lần đầu tiên nhìn thấy những người nước ngoài. Bố đã an ủi em. Bức ảnh này được chọn làm trang bìa các tạp chí khắp thế giới.


Ánh mắt lạ lẫm của những đứa trẻ trước ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức.


Trong sự nghiệp của mình, Thomas đã ghi lại hình ảnh trẻ em nhiều quốc gia trên thế giới, như nạn đói ở Bangladesh, ánh mắt sợ hãi trước cái chết ở khu vực Balkan, Việt Nam. Bức ảnh này được chụp năm 1969 ở miền Bắc Việt Nam.


Từ những năm 1987, Thomas tích cực hoạt động trong các tổ chức bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc. Ảnh chụp cảnh cậu bé Việt làm toán trên lưng trâu.


Cậu bé mục đồng thổi sáo được ông chụp ở miền Bắc năm 1969.


Thomas sang Việt Nam từ những năm 1960 vì một công việc được giao. Sau chuyến đi đó ông đã quay lại đây nhiều lần nữa. Chỉ tính từ năm 1962 đến 1985 ông đã đến Việt Nam 12 lần, trong tổng số 50 chuyến đi khắp các quốc gia trên thế giới. Ảnh chụp miền Bắc Việt Nam 1979.


Cậu bé chăn trâu chạy mưa.


Thời chiến, trẻ em lên 6, lên 7 đã phải phụ giúp gia đình kiếm sống.


Hình ảnh của ông được biết đến trên toàn thế giới, có mặt trong hơn một trăm cuộc triển lãm từ Moscow đến New York. Nhiều tác phẩm của ông đã được xuất bản trên các tạp chí lớn. Ảnh này chụp trẻ em Việt năm 1972.


Năm 1999, Thomas đã tổ chức triển lãm "Chiến tranh Việt Nam" tại Hà Nội. Năm 2003, ông trở lại tổ chức triển lãm tại Hồ Gươm với những bức ảnh đã chụp, mục đích là gặp lại những nhân vật của mình. Không phụ tâm huyết, ông đã gặp được người khiến ông ám ảnh nhất trong sự nghiệp: Cô gái mở đường có tên Hồng Ly.


Thomas còn mang hình ảnh Việt Nam giới thiệu ra toàn thế giới.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Vẻ đẹp mộc mạc Việt Nam 120 năm trước

Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn... ở thế kỷ 19 được tái hiện sinh động qua những bức ảnh quý giá của Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau.



Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam và Pháp, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã trưng bày hơn 200 bức ảnh của Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau.

Tháng 2/1895, Armand Rousseau được cử làm Toàn quyền Đông Dương. Ông đột ngột qua đời vào ngày 10/12/1896, tức chỉ hơn một năm làm nhiệm vụ. Ông để lại nhiều hình ảnh về Việt Nam thời kỷ 1895-1896. Đây được xem là nguồn sử liệu quý báu để nhận diện Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX.



Từ năm 1874, Sài Gòn đã được thiết lập là một thành phố. Thời điểm Armand Rousseau sang Việt Nam, nơi đây đã vô cùng tấp nập. Tấm hình ghi rõ được chụp vào ngày 16/3/1895 lúc ông đến Sài Gòn. Cảnh vật trên sông Sài Gòn chính là bến tàu của hãng Messagerie Maritime với ngôi nhà sau này được định danh là "Nhà Rồng". Chiếc tàu lớn, cờ hiệu thể hiện rằng Armand Rousseau đã đặt chân tới Việt Nam.



Đây là bức ảnh Chợ Lớn cuối thế kỷ thứ XIX. Có thể thấy rõ hình ảnh những người Hoa tóc tết đuôi sam đang đi lại. Tuy nhiên, lối kiến trúc vẫn là của người Việt. Điều này cho thấy dấu ấn người bản địa vẫn rõ, và thời điểm này chưa hình thành một thị trấn người Hoa.



Hải Phòng - dấu ấn đầu tiên của một thành phố cảng cũng được Armand chụp lại. Năm 1888, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng được vua Đồng Khánh giao cho Pháp thiết lập thành phố. Thời điểm bức ảnh này chụp, thành phố Hải Phòng được xây dựng mới 8 năm, còn rất sơ khai với chỉ một cầu cảng được xây bằng thép.



Cảnh quan ở Hạ Long không có gì khác bây giờ, duy chỉ những loại thuyền buồm nhỏ của ngư dân là không còn. Ngay cả chiếc tàu thủy rất hiện đại mà vị toàn quyền dùng để đi lại trên vịnh cũng chỉ còn trong những bảo tàng hàng hải.



Khu mỏ than Kẻ Bào (Quảng Ninh) thuận tiện giao thông đường biển nên được Pháp khai thác sớm. Pháp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại vào ngành công nghiệp này.



Huế là kinh đô của chính quyền nhà Nguyễn thời đó. Ngoài khu Hoàng thành, viên Toàn quyền còn chụp nhiều cảnh quan ở Huế năm 1895.



Đầu thời Nguyễn, Tuyên Quang là một trấn. Vùng đất này thường bất ổn vì hay bị thổ phỉ từ Trung Quốc thâm nhập. Cuối thế kỷ XIX, Pháp cũng xem đây là nơi cần trấn trị nên cho xây thành (tuy không lớn), rào dậu kín những bản làng để tránh thổ phỉ và thú dữ.



Thời thuộc địa, chính quyền nhà Nguyễn vẫn có quyền lực tượng trưng ở Thành Nam - Nam Định. Đến những năm Hà Nội được thiết lập thành phố, con sông Hồng nối liền với sông Đào (sông nhân tạo ở Nam Định), thì khu Thành Nam càng được củng cố hơn.



Tháp Chăm là kiến trúc tôn giáo của đồng bào Chăm, được phân bố phổ biến từ Quảng Nam, Phan Thiết tới Bình Thuận. Tấm hình này chụp tháp Chăm ở Nha Trang, và rất có thể là nhóm tháp Po Nagar nổi tiếng.



Cho đến cuối thế kỷ XIX, hệ thống đường Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào những con đường hẹp, đủ để đi bộ. Khi đó đường từ phía Bắc vào Nha Trang vẫn như trong ảnh.



Trước khi bị thực dân Pháp đô hộ, Biên Hòa là trung tâm của toàn bộ miền Nam với tên gọi Trấn Biên. Lúc Armand Rousseau sang Việt Nam, nơi đây vẫn chưa phát triển. Những bức ảnh ngôi đình ở Tân Uyên hay chùa ở Biên Hòa cho thấy hai thiết chế tín ngưỡng và tôn giáo tiêu biểu của người Việt và đây được xem là sức mạnh khai phá của người Việt ở phương Nam.



Phan Thiết được xác lập là thị xã của tỉnh Bình Thuận vào năm 1899, song lúc Armand Rousseau làm toàn quyền thì đây là một vùng đất hẻo lánh với những ngư dân. Họ sử dụng thuyền câu và đánh bắt cá mang đậm văn hóa Chăm.



Mỹ Tho trước năm 1899 chỉ là một tiểu khu, chưa phải một tỉnh. Thời đó vùng đất này chủ yếu là người Hoa di cư sang, dấu ấn của họ khá đậm nét, như làm cu li, làm chủ các con tàu. Chợ là nơi giao lưu của người Việt và người Hoa.



Trước năm 1899, Trà Vinh chưa phải là một tỉnh mà chỉ là một tiểu khu thuộc tỉnh Vĩnh Long. Người Việt nhiều, nhưng người Khmer cư ngụ sớm hơn. Vì vậy những ngôi chùa theo phong cách Phật giáo tiểu thừa, có những vị sư người Khmer mặc áo sáng là nét đặc trưng về đời sống tôn giáo ở đây.



Tây Ninh không xa Sài Gòn nhưng lại tiếp giáp Campuchia, thời đó kinh tế ở đây chưa phát triển. 



Côn Đảo được Pháp biết đến rất sớm. Từ năm 1862 đây đã là nơi giam giữ tội phạm cũng như những người chống đối chế độ thuộc địa. Những bức ảnh này được chụp vào thời điểm những cây cầu trên hòn đảo chính đang được xây dựng.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Ảnh tư liệu quý giá về Việt Nam

Rất nhiều tư liệu quý và xác thực về lịch sử Việt Nam đã hiện hữu trong những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp- Armand Rousseau.

Hiện nay, thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội đang triển lãm bộ sưu tập ảnh chủ đề Ký ức về Việt Nam 1895 - 1896 của tác giả người Pháp Armand Rousseau. Triển lãm kéo dài đến 23/5/2014.

Là kỹ sư Bách Khoa, Armand Rousseau từng tham gia xây dựng nhiều công trình nổi tiếng tại thành phố Brest. Trong thời gian thực thi nhiệm vụ ở Đông Dương rất ngắn ngủi, năm 1896, Armand Rousseau đột ngột qua đời.

Trong những di sản mà ông để lại, gia đình ông còn lưu giữ bộ ảnh về thời kỳ ở Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 tại các địa danh như: Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Tuyên Quang, Huế, Touranne (Đà Nẵng), Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn - Chợ Lớn, Mỹ Tho, Tây Ninh, Bà Rịa - Cap Saint Jacques... với nhiều lĩnh vực đời sống khá phong phú.

Số ảnh này được xem là nguồn sử liệu quý báu để nhận diện nước Việt Nam vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19 (1895 - 1896).

Dưới đây là những hình ảnh ấn tượng về Việt Nam thế kỷ 19 qua ống kính nhiếp ảnh Pháp:

Chân dung của những người bản địa

Một gia đình người miền Nam

Xe người kéo ở miền Bắc


Xe bò: Dường như ở phía Bắc Việt Nam thời xa xưa không có loại xe hai bánh xếp ngang. Bằng chứng là trên những con đường cái quan, huyết mạch của quốc gia đường xá rất hẹp phù hợp với việc gồng gánh hay sử dụng loại xe có một bánh phía trước. Sử dụng bò kéo xe có thể là di sản của các cư dân ở phương Nam. Thêm bằng chứng là bức ảnh chụp ở phố Chợ Gạo, Hà Nội thì xe vẫn do người kéo. Trong hai tấm ảnh xe bò ở hai tỉnh Nam Kỳ là Bà Rịa và Biên Hoà thì chỉ khác nhau về độ dày của bánh xe.

Chợ Lớn thế kỷ 19


Cột cờ thành Hà Nội

Thành Hà Nội

Hồ Nhỏ của thành phố. Với người Pháp, Hồ Hoàn Kiếm được gọi ngắn gọn là Hồ Nhỏ, để phân biệt với Hồ Tây được gọi là Hồ Lớn. Công trình đầu tiên người Pháp quy hoạch tại Hà Nội là chỉnh trang không gian quanh Hồ Nhỏ. Bước đầu tiên là khánh thành con đường chạy dọc quanh hồ năm 1893.

Chùa Láng. Ngôi chùa được xây từ thế kỷ 17, trở nên nổi tiếng vì những kiến trúc đặc trưng cùng đồ thờ tự cho đến nay vẫn không mấy thay đổi. Chỉ có điều hàng muỗm cổ thụ trồng trong khuôn viên của chùa từ bức ảnh này đến nay đã có thêm hơn một thế kỷ tuổi và ngôi chùa lọt vào giữa một khu đô thị đông đúc.

Phố cổ Hà Nội

Hội hè của người Việt thế kỷ 19

Một góc làng quê thế kỷ 19

Thành Nam – trường thi cuối cùng thời cận đại. Hà Nội không còn là kinh đô Triều Nguyễn rồi trở thành một thành phố thuộc địa, việc học phát triển theo lối mới hướng về Tây học. Các cuộc thi truyền thống theo Nho học chuyển về Nam Định.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Ngắm phụ nữ Việt xưa duyên dáng trong tà áo dài

Chiếc áo thắt eo, tà rộng của phụ nữ Sài Gòn những năm 1970 từng được coi là chuẩn mực của áo dài Việt Nam một thời.

Áo dài kết hợp với chiếc nón lá là biểu tượng cho vẻ đẹp Việt từ lâu. Trải qua nhiều thăng trầm, chiếc áo dài có nhiều thay đổi nhưng vẫn là hình ảnh gắn liền với người phụ nữ Việt Nam.

Khoảng năm 1950, các thợ may khéo léo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, để áo ôm theo thân mà không cần chít eo, cổ áo may cao lên, trong khi gấu hạ thấp xuống.

Trong tà áo dài, người phụ nữ Việt kín đáo, đoan trang mà vẫn toát lên vẻ đẹp dịu dàng, đầy hấp dẫn. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, người Hà Nội thường nhắc đến tứ đại mỹ nhân Hà thành, gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. Đây là những thiếu nữ nhan sắc, làm mê đắm trái tim của nhiều văn nhân, tài tử đa tình.

Mặc áo dài cổ cao, thiếu nữ xưa thường để tóc dài, làm duyên bằng những chiếc kẹp giản dị.

Đường may ôm khít càng tôn lên vẻ đẹp thanh xuân đầy sức sống. Áo dài xưa thường đơn giản một màu, ít họa tiết trang trí.

Chiếc áo dài thắt eo, tà áo rộng giúp người mặc có dáng thắt đáy lưng ong và trở nên quý phái. Áo dài của phụ nữ Sài Gòn những năm 1970 được coi là chuẩn mực về vẻ đẹp của áo dài Việt Nam.

Chị em mặc áo dài diễu hành mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1960.

Nữ sinh trình diễn sản phẩm của mình trong cuộc thi cắt may áo dài nhân dịp Quốc tế phụ nữ hơn 60 năm trước tại Sài Gòn.

Ảnh chụp nữ sinh Đồng Khánh (Huế) trong tà áo dài màu tím. Đó cũng là màu áo dài đặc trưng của người con gái xứ Huế mộng mơ. Áo dài dần trở thành đồng phục của nữ sinh khắp ba miền. Một số ngôi trường nổi tiếng với tà áo dài như áo dài trắng trường Đồng Khánh (Hà Nội), áo dài tím trường Gia Long (Sài Gòn)...

Yêu mến tà áo dài Việt Nam, hai nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng đã cùng nhau sáng tác bài hát "Một thoáng quê hương" với những câu hát đầy lãng mạn: "Đẹp xiết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...".

"Áo bay trên đường như mây xuống phố, áo tung sân trường tựa cánh chim câu".

Vài chục năm trước, hình ảnh thiếu nữ trên những chiếc xe đạp hay xe máy không làm giảm bớt đi nét duyên của áo dài.

Những người bán hàng rong trên phố Đà Nẵng năm 1962.

Huế tháng 4/1968 sau trận chiến Mậu Thân. Trên đường phố đổ nát vì đạn bom, sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường. Hình ảnh người phụ nữ Huế mặc áo dài đi chợ rất hiếm gặp ngày nay.