Trang

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Hà Nội đỏ rực sắc bàng mùa đông

Cuối đông, cùng với những cơn nắng hửng, màu đỏ rực của lá bàng như thắp nến khắp phố phường Hà Nội.
Nhắc đến cây bàng Hà Nội, nhiều người sẽ nhớ đến lời ca “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bàng bắt đầu đỏ lá vào mùa thu thật, nhưng không thật rộ. Chỉ đến những ngày cuối đông, đầu xuân, lá bàng mới gọi nhau hóa thành những “thảm” lá đỏ ửng, để rồi khi “chạm ngõ” mùa xuân, bàng sẽ khoác một tấm áo mới xanh nõn nà.

Bàng đỏ lá mang đến nét đẹp lạ cho phố phường Hà Nội những ngày cuối đông.

Bàng được trồng ở nhiều nơi, chẳng riêng gì Hà Nội, nhưng dường như chỉ ở thành phố này và một vài nơi có mùa đông thực thụ người ta mới thấy bàng đồng loạt đỏ lá. Bởi lẽ, ở nơi nào có nền nhiệt độ càng thấp, số ngày lạnh càng nhiều trong thời kỳ lá chuyển mình, lá bàng mới có màu đỏ thắm và “chín” đồng loạt hơn.

Cây bàng đỏ lá rải rác suốt mùa đông.

Nó lặng lẽ và tinh nghịch giấu những chùm quả chín vàng dành dụm được suốt mùa thu trong tán biếc.


Đột nhiên, vào những ngày cuối năm, khi những vạt nắng hiếm cuối mùa len vào phố, khi nhà nhà hối hả chuẩn bị Tết nhất, những cây bàng trên phố phường, thường ngày có vẻ uể oải bỗng vội vã cựa mình, chuyển sang màu ửng đỏ.

Những chiếc lá thầm thì với gió, vàng lốm đốm...

... thắm dần…

… cho đến một buổi đỏ rực như một “tấm thảm” hoa khổng lồ.

Sắc vàng như vẫn vấn vương mùa thu chen với sắc xanh hơi úa và hòa cùng tầng tầng, lớp lớp màu đỏ hồng, đỏ tím, đỏ nâu, đỏ tía…

… tạo nên nét duyên riêng của những ngày tháng Chạp.

Cùng với đào phai, cúc thắm, lá bàng đỏ nhắc nhở Tết cận kề.

Những thảm lá bàng với đủ các sắc độ màu như thì thầm đánh thức mùa tình yêu, mùa đẹp nhất trong năm.

Bàng đỏ lá khi mùa chẳng còn thu.

Hòa cùng nhịp hối hả cuộc sống thường ngày.

Con người có khi vội vã…

…có lúc thảnh thơi…

... và bàng vẫn vô tư đỏ, xanh, tuần tự với nhịp của riêng mình.

Sắc đỏ tự làm duyên ở một khung cửa…

... và làm duyên cùng con người.

Lá bàng đỏ au trên từng tán lá cây, trải thảm dưới lòng phố thị như thắp nến cả một khoảng trời đông lạnh giá.

Bàng, loài cây giản dị ấy còn gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ của nhiều thế hệ. Tuổi thơ thời 7X, 8X chắc chưa quên cảm giác sướng rơn khi mùa bàng đậu quả. Những quả bàng chín vàng ươm, hoặc tự rụng xuống phố, hoặc sẽ bị lũ trẻ nghịch ngợm ném đá, lấy gậy khều, nhảy lên cây rung lắc cho rụng xuống rồi dùng hòn đá nhỏ ghè hạt bàng vào vỉa hè để lấy nhân ra ăn.

Quả bàng ít thịt nhiều gân, vỏ dai ngoách nhưng không cản nổi cái thú của trẻ thơ lấy tăm hoặc cặp tóc khều phần nhân trăng trắng, bùi bùi ra nhấm nháp. Đấy là ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, quả bàng nho nhỏ, nhân cũng không nhiều, chứ ở Côn Đảo (Kiên Giang), hạt bàng được bán như một loại đặc sản.

Những quả bàng còn nhắc nhở tuổi thơ của nhiều người.

Cây bàng, cũng như nhiều loài cây khác trồng trên phố phường Hà Nội, là nét đẹp dễ ưa vì chúng dễ trồng, sinh trưởng khỏe, chịu được gió bão, nhanh tỏa bóng và bóng rất rợp, đặc biệt đẹp vào lúc chuyển mùa.

Mỗi khoảnh khắc, bàng mang vẻ đẹp riêng, khi nõn nà, lúc khẳng khiu, nhưng đẹp nhất là thời đỏ lá.

Nhưng cũng có những người giận hờn, “ấm ức” với thảm lá vàng khi chúng trút ào ào xuống đường phố, những công nhân vệ sinh phải mất nhiều công sức hơn để quét dọn, nếu không, chúng có thể gây tắc nghẽn đường cống thoát nước. Đó là chưa kể đến việc loài cây này có nhiều “sát thủ giấu mặt”: sâu róm, hoặc những quả chín rụng giờ chẳng được lũ trẻ đoái hoài, lăn lóc nơi vỉa hè hoặc khiến người bộ hành trượt ngã khi dẫm phải.

Thời rực rỡ của cây bàng cũng là khi những công nhân vệ sinh vất vả…

Dầu vậy, chắc chẳng ai nỡ “giận” cây bàng lâu, bởi cái đẹp của chúng đã làm duyên cho Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét